ARTISTAY
  • SHOP
    • TIN MỚI
    • —
    • SÁCH
    • NGHỆ THUẬT
    • THIẾT KẾ
    • ĐỒ TRƯNG BÀY
    • ĐỒ CŨ
  • NHÂN VẬT
  • #GHÉ
  • GIỚI THIỆU
  • LIÊN HỆ
No Result
View All Result
  • SHOP
    • TIN MỚI
    • —
    • SÁCH
    • NGHỆ THUẬT
    • THIẾT KẾ
    • ĐỒ TRƯNG BÀY
    • ĐỒ CŨ
  • NHÂN VẬT
  • #GHÉ
  • GIỚI THIỆU
  • LIÊN HỆ
ARTISTAY
No Result
View All Result

Hiệp “khùng”

Ngồi tại a21gallery trong buổi chiều, bên bàn nhậu đặt ngoài vườn chỉ cần có dăm chai bia và chút đồ mặn cũng đủ để nói nhiều chuyện dông dài. Ở cái tuổi hơn 40, với Hiệp thì hành trình nghề nghiệp cũng đi được gần 21 năm. Chiều hôm đó, nói chuyện 10 năm qua về a21studio.

Một ngày của anh thường diễn ra thế nào? 

Tôi cũng không biết nữa, hiếm khi nó đều đều như nhau, lúc nào cũng có bất ngờ.

Nhiều người gọi anh là Hiệp “Khùng”, anh nghĩ sao về cái tên này? 

Tôi cũng không nhớ nữa, có thể từ hồi đi học tụi bạn gọi vậy. Tôi thấy cái tên này khá thời trang, nghe rất có số má.

Anh vốn không chơi và chỉ tiếp xúc với ít người, anh có lý do gì?

Do tôi không giỏi giao tiếp. 

Anh hay gọi mình là “dân chơi”, vì sao anh nghĩ vậy? 

Tại vì tôi luôn nghĩ đến chuyện chơi. Chơi ở đây không phải là đi chơi mà trong công việc hay làm gì đó đều ít nghĩ theo hướng nghiêm túc.

Anh đã ở Sài Gòn bao lâu rồi?

Tôi lên Sài Gòn từ 1996 sau khi đỗ Đại học Kiến trúc. Tôi ở đây thấy hợp và thích ở đây nhất so với những chỗ khác.

Một ngày anh dành bao nhiêu thời gian cho gia đình và bản thân?

Tôi dành cả ngày cho gia đình và bản thân, đó là lý do tôi đặt văn phòng làm việc tại nhà.

Anh mua sách hầu như liên tục và không tiếc tiền, thói quen này là sao anh?

Tôi mê đọc sách từ bé. Buổi tối hay nằm không và suy nghĩ thì tôi thường lôi sách ra đọc, nhiều lúc không chịu được điều gì đó, tôi cũng lôi sách ra đọc. Quãng sau 2000, hồi còn sinh viên, kiếm được nhiêu tiền, tôi toàn đặt mua sách trên Amazon, thích gì là mua hết, cũng không quan tâm lắm đến chuyện đắt rẻ.

Trước khi thành lập a21studio, tôi được biết năm 21 tuổi anh đã bắt đầu đi làm và ít đến lớp. Dạo đó hầu hết những thiết kế của anh đều rất ít được xây, có phải thứ anh vẽ thực sự khó xài? Và thời điểm đó, anh nghĩ sao về điều này?

Hồi đó có thể chém gió là không ai hiểu cái thứ mình vẽ nhưng giờ nghĩ lại thấy nó không đủ tốt để xài. Bản vẽ của tôi năm ngoái hay thậm chí vẽ tháng trước, giờ nhìn lại thấy cũng không đủ tốt. Nếu đủ tốt, tôi đã nhớ toàn bộ những thiết kế đó rồi. May mắn là không có công trình nào tôi vẽ thời đó được xây. Tôi vẫn còn giữ cuốn sổ tôi vẽ hồi đấy, lúc đấy nhìn thứ mình vẽ thấy đẹp lắm nhưng giờ nhìn vô thấy tầm thường quá. So với những thứ mới đây thì kém xa. Nên hồi đó chắc chắn không có gì hay để mà xài.

Sau khi thành lập a21studio, công việc của văn phòng có luôn thuận lợi?

Cũng nhiều người tới nhờ vẽ, công việc cũng không hẳn thuận lợi nếu nhìn ở góc độ tiền bạc. Tại tôi vẽ thường ít khi kí hợp đồng hay phải ứng tiền trước. Tôi cứ vẽ cho đến khi biết chắc người ta chịu xây. Tuyệt nhiên không có kiểu gặp nhau nói chuyện xong, ký hợp đồng, ứng tiền rồi tôi mới vẽ. Đến giờ cách làm đó vẫn không thay đổi. Nên so với hồi mới thành lập văn phòng thì cơ hội nhiều nhưng không dễ dàng cho lắm.

10 năm làm nghề, có điều gì trong anh đã thay đổi và điều gì không hề thay đổi?

Tôi không còn khắc nghiệt như trước, có lẽ do mình không đủ giỏi như mình nghĩ. Hồi đó khi cái gì không đúng ý tôi, tôi hay tức giận trong văn phòng, nhưng giờ nghĩ lại tôi thấy tôi không đủ giỏi để mình sửa mọi thứ cho tốt, không đủ kiên nhẫn để làm điều đó. Điều mà 10 năm qua không thay đổi chắc là ngoại hình của tôi. (cười).

Trước đây anh từng làm rất ít công trình, hầu như toàn từ chối các yêu cầu thiết kế và chỉ vẽ cho người thân quen, bạn bè. Giờ thì số lượng công trình của anh mỗi năm là rất nhiều và anh đều nhận. Vì sao có sự thay đổi này?

Tôi muốn coi cái giới hạn của mình, coi xem mình vẽ sẽ thế nào tiếp nữa. Càng nhiều công trình đến với mình, tôi đều muốn vẽ. Ngoài ra có một số lý do, trước đây ai đến nhờ vẽ chắc là do tò mò vì hồi đó tôi đâu có công trình nào để chứng minh, tôi từng cư xử thô lỗ lắm để từ chối vẽ, để coi ai thực sự cần. Nhưng giờ nhiều chủ đầu tư họ hiểu, họ chiều mình nên ai tới cũng dễ thương, mình cũng không có cơ hội để từ chối.

Công việc của a21 theo chúng tôi có 2 mốc quan trọng, trước và sau năm 2014, mỗi giai đoạn kéo dài 5 năm. Sự chuyển đổi này có phải là tất yếu sau năm 2014 rất thành công của anh không hay có lý do gì khác?

Tôi không nghĩ năm 2014 là điểm thành công gì vì tất cả những người tôi vẽ cho đều không ai biết tôi có giải thưởng hay thành tựu nào cả. Giải thưởng nếu có cũng chỉ là một sự ghi nhận tại thời điểm đó còn quá trình làm nghề thì lại rất dài. Tôi ít có khái niệm khi có giải thưởng hay công trình tốt thì đứng nhìn lại rồi suy nghĩ và thường tôi quên rất nhanh những điều đó.

Đặt mua bộ bài a21studio (2009 – 2019) trên Artistay Shop

Vì sao anh xài đồ phế liệu khi làm kiến trúc? 

Tôi có 3 lý do. Một là tôi không muốn tiêu thụ đồ mới. Một món đồ cần cho xây dựng tôi đều tự đặt câu hỏi có cần thiết phải xài hay không vì kiến trúc sư thường sử dụng vật liệu do thói quen và bị các nhà kinh tế chi phối. Thường là không cần, nếu cần thì tôi cố gắng tìm những đồ không sản xuất mới. Lý do thử hai, đồ cũ và phế liệu tôi xài đều có chọn lọc do thời xưa, việc sản xuất và nguồn nguyên vật liệu còn rất tốt thì chắc chắn nó tốt hơn đồ mới bây giờ để xài. Thứ ba là đồ cũ và phế liệu thường rất đẹp sau một thời gian sử dụng.

Với khối lượng công việc hiện tại, anh chắc hẳn kiếm được nhiều tiền?

Thời điểm hiện tại thì không quan tâm lắm, tôi làm rất nhiều, người ta hối lấy tiền cũng nhiều nhưng tôi không muốn lấy chỉ là tôi thấy chán với những loại giao dịch, những hợp đồng kinh tế với các điều khoản ràng buộc. Tất cả chì vì một sự an toàn, an tâm cho bản thân người ta, để tôi nhận tiền thì họ an tâm tôi sẽ vẽ cho họ thay vì cùng quan tâm nhiều hơn đến những suy nghĩ tôi dành cho thiết kế.

Mình càng ngày càng quý những thứ mình thiết kế ra, có nhiều công trình làm rất tốt, rất đẹp và đúng ý mình nhưng người chủ sử dụng lại xài không đúng, không tốt. Sau một thời gian sử dụng, họ sang nhượng lại nó hoặc làm cho nó không đúng với tinh thần ban đầu mình hướng đến. Tôi còn sức sao thì sống thế, không cần phải có một khoản tiền để an tâm trong cuộc sống. Tôi cố gắng càng chậm lấy tiền của chủ đầu tư càng tốt dù người ta hối đưa tiền để kiểm soát toàn bộ ý đồ tôi muốn cho công trình. Đến phút cuối nếu không thể kiểm soát được thì tôi có thể từ bỏ công trình bất kỳ lúc nào mà không có sự tiếc nuối. Tôi ít quan tâm đến việc kiếm được bao tiền, hợp đồng ký tá là hình thức với nhau, chủ đầu tư có đưa tiền, tôi cũng dành phần nhiều cho việc tìm kiếm và mua lại những thứ tốt đẹp nhất cho công trình của họ và họ thường không biết điều đó. Tôi muốn cởi bỏ mọi sự ràng buộc vì khi làm công trình, cả tôi và chủ đầu tư đều phải đầu tư thì nó mới tốt được.

Nghĩ đi cũng phải nghĩ lại, khi mình có một thiết kế, chủ đầu tư họ cũng phải bỏ bao tiền ra để mua đất và xây dựng lên, họ cho mình cơ hội để được thử nghiệm thứ mình nghĩ ra vì mình là kiến trúc sư mà. Họ đầu tư để mình được làm những trò điên khùng của mình, họ trả tiền cho chuyện chơi của mình, nên nhiều khi tôi không muốn lấy tiền của họ. Thậm chí tôi đã từng nghĩ nếu mình đủ giàu, mình nên trả thêm cho người ta vì họ đã tìm đến và chi mình cơ hội được thể hiện điều mình nghĩ.

Khi ở tâm thế đó, tôi thường sẽ ít nghĩ đến chuyện tiền bạc và chỉ tập trung làm một thứ gì đó tốt nhất để tôi và chủ đầu tư có cơ hội kiếm thêm tiền, làm những điều tốt đẹp tiếp theo cùng nhau. Đó cũng là lý do tôi làm cho rất ít chủ đầu tư vì cũng không có nhiều người hiểu hoặc kiên nhẫn cùng tôi trong chuyện này. Chuyện này vốn cũng bình thường nên ít nói ra, nhân đây nói một lần rồi thôi. 

Nhắc đến Hiệp “Khùng” thời điểm này, sau 10 năm a21studio vẽ và thực hiện nhiều công trình tại Việt Nam. Có không ít chủ đầu tư chỉ mong được anh vẽ cho, thậm chí tôi biết là có chủ đầu tư còn bắt anh hứa phải vẽ cho họ. Anh ứng xử sao với khái niệm “mong được Hiệp vẽ cho”? 

Tôi thường ghi chép mọi dự án vào sổ và khi số lượng dự án đang còn nhiều thì tôi hay dặn mình và anh em trong văn phòng là không nhận thêm công trình nào mới để vẽ nữa. Tôi cố gắng ít giao tiếp với mọi người và từ chối vẽ ngay từ đầu vì sợ họ sẽ đưa tới một khu đất hay, một yêu cầu thiết kế nào đó khiến mình suy nghĩ và khi mình suy nghĩ ra một ý hay mình sẽ thường có khuynh hướng nhận lời vẽ cho họ.

Tôi cũng chẳng tự hào hoặc suy nghĩ gì nhiều về khái niệm trên vì người ta cũng hay đồn rồi có người kể lại cho tôi nghe là vì tôi kiêu quá và do họ mong được tôi vẽ cho nên tôi có thể áp đặt mọi thứ khi thiết kế, họ không có quyền can thiệp hay phản biện những gì tôi làm. Điều đó hoàn toàn không đúng. Một ý tưởng mà không có phản biện, không có va đập sẽ không tốt. Tôi mong chủ đầu tư phản biện và tham gia quá trời, nhiều khi thiếu sự tranh luận công trình sẽ không tốt đâu. Nhiều khi mọi người cũng nói tôi áp đặt và bảo thủ không nghe bất kì ai. Tôi thực sự không quan tâm lắm về việc họ nghĩ mình thế nào. Có nhiều chủ đầu tư tôi vẽ cho họ một cái nhà, họ đều nói là đẹp lắm rồi, đừng sửa nữa để cho xây nhưng tôi vẫn tiếp tục vẽ, vẽ đến khi tôi thấy ổn thì xây. Đó theo tôi không phải là sự bảo thủ, còn suy nghĩ được tiếp thì tôi sẽ nghĩ đến khi nào thấy ổn. 

Tôi có gặp và quen nhiều chủ đầu tư của anh, phần nhiều cuộc sống của họ thay đổi tích cực sau khi được anh thiết kế cho họ, dù là công trình nhà ở nhỏ hay một khách sạn lớn. Anh có gì để nói về những chủ đầu tư của mình? 

Tôi luôn vẽ những công trình cho chủ đầu tư với tâm thế vẽ cho bản thân mình. Nhiều người thay đổi tích cực thì mừng cho họ nhưng tôi không làm để cho họ tốt lên. Nhiều khi cũng nên tỉnh táo, mình mới chỉ đang nghe những thứ một chiều về những điều tốt đẹp. Tôi từng nghe không ít những lời phỉ báng về thiết kế của mình. Tôi hy vọng phần trăm những điều tốt do ảnh hưởng từ tôi sẽ ngày càng nhiều lên nhưng phải tỉnh táo, tránh sự chủ quan về những lời khen ngợi.

Văn phòng a21studio không bao giờ tuyển dụng. Vì sao vậy anh?

Tôi không bao giờ muốn a21studio là một văn phòng hay một công ty, tôi nghĩ đây là một nhóm người ô hợp, mỗi đứa một kiểu rồi cùng làm việc với nhau. Giống như một ban nhạc được thành lập thôi. Ngay từ đầu tôi đã không thích một văn phòng tập trung những người giỏi làm những điều hay ho tốt đẹp nên phải đăng tin tìm kiếm nhân tài…Ở đây ai thích thì đến chơi, nói chuyện và phù hợp thì làm việc với nhau.

Anh tìm kiếm điều gì trong kiến trúc?

Năm 2009, tôi mở a21studio, anh Minh chủ nhà M11 hỏi tôi kế hoạch 5 năm sau sẽ ra sao, tôi nói 5 năm sau tôi muốn cả thế giới biết tới a21studio. Rồi sau đó tôi nghĩ về 5 năm tiếp theo, tôi muốn đóng cửa văn phòng để không còn ai biết tới nữa. Tôi dẹp văn phòng không phải vì chán đâu, tôi chỉ thấy có cái văn phòng này đơn giản là nơi mọi người tới nhờ thiết kế. Tôi muốn đóng nó lại để làm những thứ nhỏ xíu ví dự như triển lãm 365 tay nắm cửa trước đây, hay 36 chiếc ghế gỗ cũ cho tụi nhỏ. Trong năm vừa rồi tôi vẫn còn ý định đó nhưng giờ lại phải cố cho xong những việc lớn để đóng nó lại. Việc tìm kiếm gì trong nghề này của tôi nó đến rất từ từ. Tôi làm vì tôi thích rồi trong quá trình đi tìm thì kiếm được chút gì đó cho bản thân. Cứ đi thôi, tìm được gì thì lượm.

a21gallery là căn nhà anh đang ở, yếu tố kiến trúc và sự tự do trong thiết kế ngôi nhà này khác gì so với những ngôi nhà trước anh từng thực hiện? 

Tôi ở nhà này hàng ngày, làm nên, tưởng nó là đẹp nhất nhưng vẫn nhìn ra bao nhiêu là lỗi. Sự tự do là do mình, do cái đầu mình. Cái nhà này hay cái nhà nào đó nó thiể hiện quan điểm của tôi trong giai đoạn đó, nhưng sau đó ngó lại cũng thấy vẫn đầy lỗi. Nhưng đây là công trình đầu tiên tôi dùng đa số là đồ phế liệu và chúng đã có một đời sống mới rất kiêu ngạo.

Khi vẽ ngôi nhà này, điều khiến anh suy nghĩ nhất là gì? 

Bawa ở Sri Lanka hay Le Baragan ở Mexico đều có một công trình nhà ở đã trở thành di sản, một điểm du lịch và càng ngày càng có giá trị theo thời gian. Tôi suy nghĩ về cái nhà này cũng theo quan điểm như vậy. Khi thiết kế, tôi cũng muốn căn nhà về sau sẽ trở thành di sản, một điểm phải ghé thăm khi ai đó tới Sài Gòn chẳng hạn.

Ngôi nhà này làm phần nhiều từ đồ phế liệu, sao anh có nhiều đồ phế liệu để làm căn nhà này thế? 

Tôi có một quá trình nhiều năm rồi đi gom và thu thập đồ phế liệu, cái gì tôi cũng nhìn ra được cách thức sử dụng nó nếu món đồ đó tốt và đẹp. Như triển lãm 365 Tay Nắm Cửa làm năm 2018, tôi cũng có thể nhìn ra được hơn 300 món đồ có thể dùng làm tay nắm cửa. Có lẽ là do con mắt mình nhìn ra được nên lượm được nhiều thứ hay ho.

Nếu không còn ở ngôi nhà này, anh sẽ dùng nó để làm gì? 

Để làm gì à, người cho miếng đất để làm cái nhà này tôi có nói sẽ gửi lại họ miếng đất và căn nhà họ cũng không nhận vì không thể kiểm soát được nó. Có lẽ cứ để không thôi vậy. 

Cảm ơn anh Hiệp về buổi trò chuyện này!


Nội dung:
Trần Trung Hiếu

Ảnh:
Triệu Chiến

Tags: a21studioNguyễn Hòa HiệpSài Gòn

Liên quan

Nguyễn Huy Anh Tuấn
Nhân vật

Nguyễn Huy Anh Tuấn

31/01/2021
Phạm Anh Tài
Nhân vật

Phạm Anh Tài

26/01/2021
Trang Vi
Nhân vật

Trang Vi

26/01/2021
Võ Trọng Hồng
Nhân vật

Võ Trọng Hồng

20/01/2021
Sản phẩm đậu bạc truyền thống của Phạm Thanh Huyền
Nhân vật

Phạm Thanh Huyền

11/01/2021
Triệu Chiến
Nhân vật

Triệu Chiến

31/01/2021

Copyright © 2020 - ARTISTAY

No Result
View All Result
  • SHOP
    • TIN MỚI
    • —
    • SÁCH
    • NGHỆ THUẬT
    • THIẾT KẾ
    • ĐỒ TRƯNG BÀY
    • ĐỒ CŨ
  • NHÂN VẬT
  • #GHÉ
  • GIỚI THIỆU
  • LIÊN HỆ

© 2021 JNews - Premium WordPress news & magazine theme by Jegtheme.